Tới chợ Phan Rang, ai cũng chỉ cho du khách tới hàng bánh của cô Hiền ở khu ẩm thực, nơi tập trung cơ man các hàng, quán bán những món ngon đúng chất đặc sản thôn quê của vùng đất này như bánh canh chả cá, gỏi cuốn...
Hàng bánh căn Phan Rang cô Hiền khá đơn giản với hai chiếc bàn dài, vài chếc ghế gỗ. Ấn tượng nhất là hai lò đổ bánh căn, mỗi lò khoảng 9 khuôn bánh với nét đắp tay, với màu gốm chỉ thoáng nhìn đã nhận ra được làm nên từ những bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Chăm làng gốm Bàu Trúc. Cái hay của loại bánh này là dù hiện diện khắp các tỉnh thành, nhưng nếu không được nướng chín trong những lò bằng gốm của làng này thì không thể có được hương thơm, độ nở, cái cháy sém đặc trưng.
Khác với nhiều món ngon miền trung khác như bánh khọt nhiều dầu mỡ, khuôn bánh căn chỉ được tráng sơ qua một lớp dầu, rồi đổ khoảng 1/3 bột, sau đó gia giảm các loại nhân mà khách yêu cầu như trứng, thịt, tôm, mực… Nguyên tắc chung là cả nhân và bánh không được đầy quá nửa khuôn (để dành không gian cho bột nở). Để bánh giòn hơn, nguời ta thuờng thêm một ít cơm nguội khi xay. Riêng hàng cô Hiền, ngoài hai nguyên liệu này, còn gia giảm thêm một ít đậu xanh cà vỏ nên vỏ bánh giòn hơn, bột bánh cũng thơm hơn, béo hơn.
Sau vài phút, mùi bánh chín thơm nồng trong khi từng chiếc khuôn được mở nắp. Cô Hiền dùng chiếc cây nhỏ có đầu nhọn lấy bánh khỏi khuôn, nhúng vào tô mỡ hành để ướp thêm cái béo, cái thơm cũng như để điểm xuyết thêm màu xanh của vài cọng hành hoa, để bánh hấp dẫn hơn, ngậy hơn.
Có thể nói không có loại bánh nào của miền Trung có nhiều loại nước chấm như bánh căn. Đầu tiên là chén nước mắm chua ngọt, kế đến là nước mắm cá cơm nguyên chất, rồi nước cá kho đậm đà với những khối cá thái vuông. Nhiều loại nước chấm, nhưng nếu bạn không yêu cầu và là khách du lịch, cô chủ quán sẽ chỉ dọn ra nước nước mắm chua ngọt, vì sợ bạn ăn không quen miệng các loại nước chấm khác.
Bánh căn khá nhỏ nên khi dọn thường được úp thành cặp. Khi ăn, có người thích tách riêng từng cái, có người để nguyên một cặp bỏ vào chén, chan xâm xấp nước chấm, thêm ít xoài xanh bằm nhỏ, vừa ăn bánh, vừa húp nước. Cái giòn nhẹ của vỏ bánh, cái mềm mịn của lớp bột bên trong, cái béo của trứng, cái ngọt của những con tôm, cái giòn của những lát mực hoà quyện cùng mùi thơm, cái cay nhẹ của nước chấm, vị chua của xoài xanh, ngon đến không muốn dừng hay ngơi nghỉ.
Mỗi chiếc bánh căn Phan Rang chấm vào mỗi loại nước chấm khác nhau cũng mang đến những trải nghiệm khác nhau. Mùi thơm nhẹ của nước mắm chua ngọt dễ ăn nhưng cũng vì vậy mà hương thơm, vị ngon của bánh không đậm đà như khi kết hợp với chén mắm cá cơm nguyên chất, cũng không nồng vị biển như khi kết hợp với nước và những miếng cá kho bùi, béo.
Bánh căn càng ăn càng ngon, nhưng tôi và cô bạn đi cùng quyết tạm dừng thú vui để sang hành bánh canh chả cá, được đánh giá là ngon nhất chợ để thưởng thức món đặc sản thứ hai của vùng đất này.
Tô bánh canh trong veo với những sợi bánh thanh mảnh, điểm thêm màu vàng đậm của chả cá chiên, vàng nhẹ của chả cá hấp, vài cọng hành ngò nhìn đã thấy ngon mắt. Khi ăn càng thấy ngon lạ với nước dùng thơm ngọt vị cá, với những cọng bánh khi cắn có vẻ hơi dai, song lúc nhai lại có cảm giác mềm mịn, hơi xốp, khiến tôi và cô bạn đi cùng phải múc hẳn một muỗng lên săm soi để trả lời cho thắc mắc: sợi bánh rỗng hay đặc ruột. Tất nhiên là đặc ruột nhưng như thế cũng có thể thấy cái ngon của loại đặc sản này. Cả cái dai nhẹ của chả cá chiên, cái ngọt lạ của chả cá hấp khi chấm vào chén nước mắm Phan Rang nguyên chất, dằm thêm vài quả ớt xanh trong cái lạnh của thành phố nắng gió này ngon đến mức truớc khi rời khỏi quầy, trong túi quà mang về của của hai chúng tôi đã nặng thêm vài ký chả.
Đăng nhận xét